
“Cánh cửa nhà sẽ chặn lại giông tố, trở về nhà chỉ còn lại yêu thương”.
Nhà là nơi lưu giữ bao kỉ niệm buồn vui, là nơi ai đi đâu cũng mong quay trở về, bởi nơi đó có Ba và có Mẹ là hai Bác nông dân tần tảo một đời để nuôi con khôn lớn.
Vào một buổi tối của vụ mùa đông – xuân, lúc ấy con khoảng chừng tám tuổi. Con được ra đồng trông lúa với Mẹ, những hạt lúa mà ba mẹ đã “chăm sóc” từ ba tháng qua. Chúng nằm im trên tấm lưới để chờ ngày mai được lăn mình trên sân, hong cho khô ráo dưới ánh mặt trời rồi sẽ được đi khắp nơi làm lương thực nuôi con người.
Đêm nay, con ngồi trông lúa với mẹ. Ngôi nhà mà đêm nay hai mẹ con nghỉ đêm là chiếc ghe chở lúa của nhà mình. Về đêm, ghe thuyền không còn đi lại, nên sóng cũng không làm cho chiếc ghe chòng chành như ban ngày nữa. Không gian tĩnh lặng lâu lâu lại pha một chút tiếng chó sủa xa xa, tiếng ếch nhái râm ran, tiếng lạo xạo của gió lùa vào hàng cây bạch đàn đang chạy dọc trên con kênh nhỏ. Mẹ và con ra mũi ghe để hóng mát, gió mát thật, trong lành thật. Tóc con bay bay trong làn gió nhẹ, Mẹ vuốt tóc con âu yếm. Con hỏi mẹ nhiều điều về chị mặt trăng, anh mặt trời, những em tinh tú lấp lánh trên cao…rồi đến những câu hỏi về Đạo của Ba và Đạo của Mẹ. Mẹ trả lời tất tần tật cho con thấu hiểu, lúc ấy con thấy mẹ không còn là bác nông dân nữa nhưng là một cô giáo tài năng. Và rồi mẹ nói: “mẹ là nông dân, ở nhà lá, chân đi dép lê, đầu đội nón lá,… để cho con ở nhà cao cửa rộng, chân mang giày, mặc quần áo nhân đức, đầu đội văn minh”. Ôm Mẹ. Con khóc. Con tạ ơn Chúa đã ban cho con một gia đình ấm áp, cho con một người Mẹ tuyệt vời.
Đêm ấy, con đã thiếp đi lúc nào không biết, nhưng khi thức giấc, con vẫn tựa đầu trên đùi Mẹ, vẫn còn mỉm cười vì giấc mơ đêm qua… giấc mơ có Mẹ luôn bên con và ngân nga: “Xin cảm tạ Cha, xin cảm ơn Trời đã ban cho đời con có Mẹ Cha, công Cha thì cao cao hơn là Núi Thái, nghĩa Mẹ dạt dào như sóng trào biển đông…”
Gió Biển